Tản nhiệt khí vs Tản nhiệt nước: Tản nhiệt nào giúp máy chơi game mát hơn?

26-07-2023, 6:01 pm

76

By:Dung Thùy

Bạn đang bận tâm suy nghĩ về hệ thống tản nhiệt cho PC? Bạn phân vân đâu mới là lựa chọn phù hợp cho máy tính của mình? Hôm nay hãy cùng Top One PC mình thử so sánh công nghệ tản nhiệt khí và công nghệ tản nhiệt nước để xem rằng giữa một bên giá thành rẻ và một bên công nghệ hiện đại, bạn sẽ thích bên nào hơn?

Trước tiên ta hãy đi qua khái khái niệm mà ai cũng biết nhưng chưa chắc ai cũng hiểu nhé: Tản nhiệt là gì?

Chắc hẳn hầu hết ai trong chúng ta cũng đều biết đến tản nhiệt và sự quan trọng của tản nhiệt đúng không nào? Nhưng dường như sẽ không nhiều người biết cơ cấu làm việc cụ thể của một hệ thống tản nhiệt nhỉ?

Nói cho bình dân dễ hiểu thì tản nhiệt là một hệ thống làm mát cho thiết bị, giúp thiết bị không bị quá nhiệt dẫn đến hư hỏng. Bởi trong quá trình sử dụng thì các thiết bị phần cứng nhất là CPU và VGA sẽ tỏa ra một lượng nhiệt rất lớn.

Để CPU quá nhiệt sẽ ảnh hưởng ra sao đến máy tính của bạn???

Chính vì thế mà bộ phận tản nhiệt được ra đời nhằm giúp giảm thiểu lượng nhiệt đó. Các bộ phận này sẽ hấp thụ hầu hết lượng nhiệt phát sinh trong quá trình máy vận hành, sau đó phân tán lượng nhiệt này vào môi trường trước khi linh kiện máy tính bị quá nhiệt.

Đặc trưng và phổ biến nhất trên thị trường hiện nay là hệ thống tản nhiệt khí và hệ thống tản nhiệt nước.

Tản nhiệt

Đặc trưng và phổ biến nhất trên thị trường hiện nay là hệ thống tản nhiệt khí và hệ thống tản nhiệt nước. (Nguồn ảnh: cliffyb)

Tản nhiệt khí là gì và liệu có đủ dùng?

Tản nhiệt khí là hệ thống làm mát bằng quạt khí được sử dụng rộng rãi nhất trên thị trường hiện nay. Hầu hết các máy laptop từ giá rẻ đến tầm trung hay cao cấp đều sử dụng bộ tản nhiệt khí này nhờ độ phổ biến rộng rãi và có từ lâu đời. Chưa kể đến việc các hãng sản xuất laptop đang ngày càng nâng cấp bộ tản nhiệt khí trên các sản phẩm của mình. 

Tản nhiệt khí được ưa chuộng nhất là vì giá thành rẻ, cấu tạo đơn giản nhưng lại có hiệu quả cao, cũng như việc không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật trong quá trình lắp đặt.

Theo bạn tản nhiệt khí liệu có đủ dùng?

 

Nguyên tắc hoạt động của tản nhiệt khí (tản nhiệt truyền thống) sử dụng một bề mặt hút nhiệt, bề mặt này sẽ tiếp xúc với bề phần cứng nơi tỏa ra nhiều nhiệt nhất (điển hình là CPU) thông qua một lớp keo tản nhiệt (thermal paste).

 

Nhiệt độ từ CPU sẽ truyền qua keo tản nhiệt rồi sau đó qua bề mặt hút nhiệt, tiếp đó sẽ được truyền qua các ống dẫn nhiệt (thường là ống đồng) lên các lá tản nhiệt phía trên, tại đây quạt sẽ phát tán nhiệt độ của các lá kim loại ra không khí. Sau đó quạt hút của thùng máy sẽ tống không khí nóng ra ngoài.

 

Về cơ bản, tản nhiệt khí là một thiết bị giúp đưa nhiệt độ nóng sinh ra từ hoạt động của CPU ra ngoài ngoài môi trường bằng các ống dẫn truyền nhiệt bằng đồng, kết hợp cùng các lá tản nhiệt bằng nhôm để thấp thụ cũng như khuếch tán nhiệt. Để tăng tốc độ khuyết tán, tản nhiệt sẽ đi kèm với quạt khí. Quạt khí cũng là thiết bị quan trọng nhất của toàn bộ hệ thống tản nhiệt này.

 

quạt khí
Quạt khí - bộ phận quan trọng nhất trong hệ thống tản nhiệt khí. (Nguồn: funkykit.com)
 

Đây là thiết kế cơ bản nhất của tản nhiệt làm mát bằng không khí. Không chỉ tản nhiệt khí cỡ lớn dùng trên máy bàn, hệ thống tản nhiệt trên laptop cũng có thiết kế tương tự. Công nghệ tản nhiệt này thích hợp cho nhiều đối tượng người dùng từ cơ bản tới cao cấp, với nhu cầu sử dụng máy tính cho làm việc và chơi game ở mức trung bình khá

 

Quạt tản nhiệt
Chưa kể tản nhiệt khí đôi khi cũng rất đẹp đấy nhé. (Nguồn: comstern.de)
 

- Vậy ưu điểm của tản nhiệt khí là gì?

 

  • Giá thành phải chăng

Về phần ưu điểm thì có lẽ điểm mạnh nhất của tản nhiệt khí đó là giá thành rẻ. Để lắp một bộ tản nhiệt khí thì bạn sẽ không cần phải đầu tư quá nhiều, vì thùng máy đa phần đã có sẵn quạt, card đồ họa và cả CPU cũng vậy. Phần chính yếu nhất của tản nhiệt khí chính là bộ phận quạt. Bạn có thể mua được hầu hết các thành phần của một bộ tản nhiệt khí với giá không quá một triệu đồng tùy vào sở thích của bản thân mình.

 

  • Dễ dàng vệ sinh, bảo trì, bảo dưỡng

Tản nhiệt khí đồng thời cũng rất dễ dàng trong việc vệ sinh và bảo trì, bảo dưỡng. Gần như chỉ cần một chiếc cọ và một đầu thổi bụi, khí là có thể vệ sinh sạch sẽ bộ tản nhiệt của bạn. Thậm chí nhiều bạn còn có thể tự vệ sinh máy tính mà không cần liên hệ đến các dịch vụ vệ sinh máy.

 

Vệ sinh.
Thậm chí nhiều bạn còn có thể tự vệ sinh máy tính mà không cần liên hệ đến các dịch vụ vệ sinh máy. (Nguồn ảnh: Science Sir)
 
  • Dễ dàng sử chữa khi gặp sự cố

Một điểm mạnh nữa của tản nhiệt khí đó chính là dễ dàng sửa chữa khi gặp sự cố. Dù cho là sự cố của thiết bị hay sự cố của hệ thống phần cứng máy tính thì việc tháo lắp một bộ tản nhiệt khí cũng tương đối dễ dàng hơn rất nhiều. Thậm chí có nhiều bạn còn có thể tự tay làm được trong lần đầu tiên.

 

  • Công nghệ tản nhiệt phổ biến nhất và ngày càng được phát triển hoàn thiện

Hiện tại công nghệ tản nhiệt khí đang là công nghệ làm mát phổ biến nhất trên thị trường máy tính bàn cũng như laptop. Vì vậy nên các hãng phát triển máy tính như Dell, ASUS,...  cũng từng ngày đưa ra nhiều bước phát triển mới như nâng cấp các luồng khí, trang bị thêm quạt bổ sung hay rút ngắn đường đi của nguồn nhiệt ra môi trường. Chưa kể đến việc nhiều nhà sản xuất linh kiện đang kết hợp quạt khí và đèn LED để biến bộ tản nhiệt thành một phần trang trí cho máy.

 

- Khuyết điểm của tản nhiệt quạt khí

 

  • Gây nhiều tiếng ồn phiền phức

Có ưu điểm thì phải có khuyết điểm chứ không nào? Vì một chiếc quạt yếu đôi khi không đủ để làm mát nên các nhà sản xuất máy tính chuyên game đã tăng công suất quạt lên rất nhiều lần. Việc này phần nào đã gây ra khuyết điểm đáng lưu tâm nhất của hệ thống tản nhiệt khí đó là khi hoạt động thì quạt khí sẽ phát ra âm thanh và gây ra tiếng ồn.

 

Tản nhiệt gây ồn
Bạn có thích một chiếc máy tính gây ồn ào giữa đêm khuya không? (Nguồn ảnh: Lifehacker)
 

Nhưng nói về ồn thì thật sự nó không đáng kể lắm đâu, vì khi chơi game thì bạn đâu còn tâm trạng nào để mà quan tâm tiếng quạt chạy nữa. Chưa kể đa số các game thủ cũng thường xuyên mang tai nghe mà. Nên tiếng ồn sẽ không phải vấn đề quá phiền phức. Trừ khi bạn sợ làm phiền người khác hoặc nói vui là bị mẹ gank trong lúc chơi game vào buổi khuya thôi.

 

  • Hiệu quả làm mát không thật sự cao

Ngoài ra thì tùy vào công suất quạt mà sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả làm mát. Quạt không đủ công suất thì hiệu quả làm mát không cao, nhưng quạt có công suất lớn thì lại gây ra tiếng ồn như mình đã nói ở trên. Chưa kể một số bộ tản nhiệt sẽ phụ thuộc một phần vào nhiệt độ môi trường xung quanh. Ví dụ như nếu bạn để máy tính trong phòng máy lạnh thì việc tản nhiệt khí cũng sẽ đủ để cân cả dàn máy của bạn.

 

  • Dễ bám bụi gây mất vệ sinh

Và sau cùng việc sẽ gây phiền toái nhiều nhất là dễ bám nhiều bụi vào cánh quạt. Các cánh quạt chuyển động ma sát với không khí sẽ tạo ra lực tĩnh điện hút các hạt bụi li ti. Từ đó sau một thời gian bạn sẽ thấy có một lớp bụi dày bám lại trên cánh quạt. Nếu không vệ sinh định kỳ sẽ dễ gây ra hỏng hóc cho cả hệ thống máy tính, chưa kể còn rất thiếu thẩm mỹ hay nói trắng ra là dơ ấy.

 

Tản nhiệt quạt
Nhìn thôi đã thấy hãi rồi, như vầy mà không vệ sinh nữa thì cũng bó tay thật. (Nguồn ảnh: Tinhte) (Nguồn ảnh:vortez)
 

Còn về tản nhiệt nước thì sao?

Nếu tản nhiệt quạt khí đã đủ dùng thì tại sao người ta lại còn phát triển thêm công nghệ tản nhiệt bằng chất lỏng này? Một phần lớn vì tản nhiệt nước sẽ có hiệu quả làm mát cao hơn rất nhiều so với việc làm mát bằng việc thổi khí (cũng như đi tắm thì sẽ mát hơn ngồi quạt ấy mà). Từ đó tản nhiệt nước được phát triển với mục đích làm mát các dàn máy tính khủng và nóng đến mức một chiếc quạt khí không thể cân nổi.

 

Vậy nên dù được sinh sau đẻ muộn so với tản nhiệt khí truyền thống. Nhưng tản nhiệt nước đã đáp ứng gần như rất tốt nhu cầu hạ hỏa cho các dàn máy tính khủng long làm việc với công suất cao trong thời gian dài.

 
Tản nhiệt nước
Hệ thống tản nhiệt nước trông xịn sò hơn hẳn. (Nguồn ảnh: ebay)
 

Nguyên tắc hoạt động của tản nhiệt nước có phần hơi phức tạp hơn tản nhiệt khí nhiều vì tản nhiệt nước nhiều bộ phận hơn. Dung dịch làm mát hay còn gọi là dung dịch tản nhiệt sẽ chạy trong một vòng tuần hoàn nhờ các ống dẫn đi qua các bộ phận của hệ thống tản nhiệt. 

 

Mặc dù cũng sử dụng bề mặt tản nhiệt để hấp thụ nhiệt, nhưng khác ở chỗ phần thiết bị này của tản nhiệt nước sẽ rỗng và có 2 lỗ để nước chảy vào và ra nên gọi là water block. Water Block là thành phần quan trọng nhất của cả hệ thống, đây là bộ phận sẽ chịu trách nhiệm chuyển nhiệt lượng tỏa ra từ CPU/GPU vào nước. Water block vẫn sẽ tiếp xúc với bề mặt phần cứng tỏa nhiệt thông qua keo tản nhiệt. Nhiệt lượng từ linh kiện sẽ được truyền vào chất lỏng tản nhiệt và được giải phóng ra môi trường qua các lá tản nhiệt.

 

Tản nhiệt nước
Nhiệt lượng từ linh kiện sẽ được truyền vào chất lỏng tản nhiệt và được giải phóng ra môi trường.
 

Dung dịch làm mát sẽ được chứa trong bể chứa, từ bể chứa dung dịch này sẽ chạy qua máy bơm và được bơm thẳng lên water block. Ở đây nước sẽ hấp thụ nhiệt từ bề mặt tản nhiệt và tiếp tục chảy lên bộ tản nhiệt có gắn quạt. Nước sẽ chạy qua các đường dẫn nhỏ trong bộ tản nhiệt và các lá tản nhiệt này sẽ hút lại nhiệt, sau đó xả ra bên ngoài nhờ quạt. Dung dịch làm mát sẽ từ bộ tản nhiệt quay trở lại bể chứa và tiếp tục lặp lại chu trình.

 

Tản nhiệt nước chủ yếu dành cho những người sử dụng máy tính cường độ cao hay chơi game và làm những chương trình nặng, lúc đó phần cứng sẽ tỏa nhiệt lượng rất nhiều, khi đó thì một bộ tản nhiệt khí có thể sẽ không còn đáp ứng được nữa.

 
Tản nhiệt nước
Tản nhiệt nước chủ yếu dành cho những người sử dụng máy tính cường độ cao hay chơi game và làm những chương trình nặng. 
 

- Thế tản nhiệt nước có những ưu điểm gì đáng để ta quan tâm?

 

  • Hiệu quả làm mát cực tốt trong nhiều điều kiện và nhu cầu sử dụng

Điểm mạnh nhất của hệ thống tản nhiệt bằng chất lỏng này đó chính là hiệu quả làm mát cực tốt. Đối với những dàn máy tính cấu hình khủng làm việc liên tục trong thời gian dài như dựng hình 3D, render video với hiệu ứng cao, hay game thủ chơi game liên tục trong mùa dịch... thì đây được xem là lựa chọn tối ưu nhất cho người dùng.

 

  • Thiết kế hiện đại bắt mắt

Chưa kể đến việc dàn tản nhiệt nước nếu kết hợp với hệ thống đèn sẽ càng tôn thêm nét hiện đại cho chiếc máy tính của bạn. Một thùng máy với đèn LED lấp lánh đổi màu xanh xanh đỏ đỏ em nhỏ nó mê trông sẽ cực kỳ xịn sò đúng không nào?

 

Tản nhiệt.
Dàn tản nhiệt nước nếu kết hợp với hệ thống đèn sẽ càng tôn thêm nét hiện đại cho chiếc máy tính. 
 
  • Yên tĩnh cho không gian cần sự tập trung

Không như hệ thống quạt của tản nhiệt khí, hệ thống tản nhiệt nước hoàn toàn không gây ra quá nhiều tiếng ồn. Cực kỳ phù hợp cho những bạn thích sự yên tĩnh tuyệt đối khi sử dụng.

 

  • Tần suất vệ sinh thấp, không cần bảo trì bảo dưỡng quá nhiều

Và còn một ưu điểm khác của tản nhiệt bằng chất lỏng này đó là hệ thống sẽ cực kỳ ít bám bụi. Nhờ vào lợi thế này sẽ giảm tối đa thời gian vệ sinh cũng như thời gian bảo trì và bảo dưỡng cho thiết bị.

 

Tản nhiệt
Các cột nước chạy dọc chạy xuôi trông khá là xịn sò phải không nào? (Nguồn ảnh: TectSitting)
 

Nhưng không có gì làm hoàn hảo, kể cả tản nhiệt nước cũng sẽ có khuyết điểm của chính mình

 

  • Giá thành cao, đau túi tiền

Khuyết điểm lớn nhất mà khiếu hầu hết mọi người đều e dè khi trang bị tản nhiệt nước đó là giá thành cao hơn tản nhiệt khí rất nhiều. Bạn sẽ phải mất một khoản kha khá tiền mới có thể trang bị cho một bộ làm mát tối ưu nhất. Mới nghe đã thấy đau cái bóp rồi đó!

 

  • Đòi hỏi kỹ thuật cao khi lắp đặt

Khó lắp đặt cũng là một khuyết điểm đáng nói đến của bộ phận làm mát hiện đại này. Gần như có rất ít bạn nào đủ tự tin cũng như đủ khả năng tự mình lắp đặt một bộ tản nhiệt nước. Nói thì nói vậy thôi chứ lỡ mà làm gì sai khiến nước bị rò rỉ ra ngoài thì vừa mất tiền mà còn vừa gây hại cho toàn bộ hệ thống máy tính nữa chứ.

 

Tản nhiệt nước.
Tản nhiệt nước đòi hỏi kỹ thuật lắp đặt cao. (Nguồn ảnh: Dawna McCoy)
 
  • Gây thiệt hại lớn nếu bị hư hỏng

Từ đó ta có thể thấy ngay khuyết điểm tiếp theo của hệ thống tản nhiệt nước đó là có thể gây thiệt hại nặng nề cho các bộ phận phần cứng khác khi gặp sự cố. Cả hệ thống máy tính đấy, không phải đùa đâu.

 

  • Khó khăn trong bảo trì, bảo dưỡng

Và cuối cùng thì bộ tản nhiệt nước này sẽ gây khó khăn cho việc vệ sinh cũng như bảo trì. Không phải không bám bụi thì bạn sẽ không quan tâm đến việc vệ sinh nhé. Đây cũng là việc bạn cần phải thực hiện cho chiếc máy tính của mình. Nhưng vì việc bám bụi vào hệ thống sẽ giảm đáng kể hơn so với dùng quạt tản nhiệt dẫn đến tần suất vệ sinh không cao nên đây có lẽ là khuyết điểm mà ta có thể phớt lờ đi đấy.

 

Tản nhiệt
Thử tưởng tượng vào một ngày đẹp trời mà bộ tản nhiệt của bạn bị rò rỉ nước đi nào. Sẽ là một cơn ác mộng đấy. (Nguồn ảnh: Lifehacker)
 

Vậy ta nên chọn tản nhiệt nào cho hợp lý?

Câu hỏi này sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như mức độ sử dụng máy tính của bạn cũng như cấu hình máy tính hiện tại mà bạn đang sử dụng.

Với điều kiện chơi game trung bình, làm việc ở mức vừa phải thì chỉ cần một bộ tản nhiệt khí thông thường là đủ, cần thiết hơn thì bạn lắp thêm vài cái quạt nữa và độn một cái CPU Cooler mua riêng hẳn hoi. Vậy là máy tính bạn đã chạy phà phà mà vẫn giữ được nhiệt độ không quá cao, nhưng bù lại sẽ có thể sẽ hơi ồn và bạn phải thường xuyên vệ sinh máy tính.

 

Tản nhiệt
Vậy ta nên chọn tản nhiệt nào cho hợp lý? (Nguồn ảnh: Teckchaser)
 

Vậy tản nhiệt nước thì sao? Tản nhiệt nước sẽ luôn giữ cho máy có nhiệt độ thấp nhất có thể, nhưng muốn sử dụng thì bạn phải bỏ ra một cọc tiền kha khá để đầu tư, và đổi lại thì cổ máy chiến game của bạn vừa mát mà lại vừa đẹp cùng các hiệu ứng đèn LED chuyển màu xịn sò. Ngoài ra bạn cũng phải xem xét nhu cầu mình có cần tới tản nhiệt nước hay không chứ không phải cứ mua là tốt. Ví dụ bạn là dân ép xung hoặc PC Master Race thích Ultra High các kiểu con đà điểu và làm việc liên tục như chơi game, thiết kế ảnh, render video,... thì OK – tản nhiệt nước là lựa chọn hợp lý rồi.

Vậy bạn sẽ chọn loại tản nhiệt nào? Để lại bình luận bên dưới cho mình biết nhé. 

Bài viết mới nhất

Sản Phẩm Khuyến Mãi

Bài viết liên quan

Chat messenger